Chủ Nhật, 26 tháng 12, 2021

Thượng tọa Thích Minh Quang - Phó Chánh văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho hay nhiều người lên chùa đặt lễ rồi khoán cho Phật nhiều việc quá nào là thăng quan tiến chức, nào là buôn may bán đắt, cầu tài cầu lộc… đó đều là sai lầm.


Tại buổi tọa đàm “Thực hành tâm linh: Cách nào tránh u mê?” do báo Đại Đoàn Kết tổ chức vào sáng 1/4, Thượng tọa Thích Minh Quang - Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chánh văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam cho biết nhu cầu về tâm linh tín ngưỡng, cầu bình an cho gia đình, người thân là nhu cầu chính đáng của nhân dân, Phật tử. Điều này quy định trong Hiến pháp 2013, mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tất cả tôn giáo đều bình đẳng.

Đi lễ chùa có nhiều tầng lớp, có người quy y Tam bảo, có người đầu tiên đến với chùa, có người đi vãn cảnh... Có những người đến chùa nhiều khi đến bằng cảm tình, hoặc ông bà cha mẹ tổ tiên đến chùa thì tôi cũng đi chùa, hoặc cầu phát tài, mua may bán đắt.

Vậy nên chúng ta nên có cái nhìn tổng thể. Ở đây những người đến với đạo Phật, đạo là con đường, Phật là giác ngộ. Giác ngộ về bản thân cuộc đời, thế giới. Cuộc đời là vô thường, sinh, lão, bệnh tử. Chúng ta giác ngộ bản thân từ đó tu tập đem lại an lạc chính mình và những người xung quanh.

Chúng ta thấy đạo Phật bản chất là tôn giáo để tìm con đường giải thoát bằng con đường tu tập. Nhưng có bộ phận quần chúng chưa hiểu biết đã biến Đức Phật thành ông thần để xin. Tôi vẫn nói đùa, nhiều người lên chùa đặt lễ rồi “khoán” cho Phật nhiều việc quá nào là “thăng quan tiến chức”, nào là “buôn may bán đắt”, cầu tài cầu lộc… đó đều là sai lầm. Bởi lên chùa là để thể hiện lòng thành kính với đức Phật, đến với đạo Phật là thấy chính mình.

Mỗi chúng ta đều phải tu học, tinh tiến, giác ngộ để thấm nhuần lời Phật dạy. Lễ Phật là để hiểu lời kinh ý Phật thực tập vào cuộc sống. Muốn chấm dứt khổ đau phải nhờ vào tuệ giác. Mỗi chúng ta ai ai cũng có nỗi khổ niềm đau. Cho nên nỗi khổ niềm đau không bao giờ hết để chấm dứt nỗi khổ niềm đau không có cách nào khác là nhờ vào tuệ giác để thấy rõ biết rõ sự thật bản thân và cuộc đời, thế giới và từ đó phiền não mới tan biến, mới phát sinh hỷ lạc.

Việc cầu cúng cầu nguyện là nhu cầu cần thiết nhưng cầu như thế nào cho đúng? Mong mọi người đến chùa lễ Phật chúng ta cầu nguyện đừng cầu cho riêng mình, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà thì đã có mình.  Phiền não căn bản là "Tham, Sân, Si" nếu chỉ cầu cho mình thì đó là lòng tham.

Vì vậy tín đồ Phật tử đi tới nơi tâm linh nào hãy thể hiện lòng thành kính với đức Phật, bước vào cửa Phật là cửa giải thoát vì thế hãy để cho tâm mình được lắng đọng. Giác ngộ đạo Phật khi đến với chùa là đến với chính mình. Đến chùa chỉ thấy Phật mà chưa thấy mình thì phải cố gắng nhiều lắm. 

Thượng tọa Thích Minh Quang cho hay, quan điểm phải đến chùa to chùa lớn thì cầu được nhiều hơn, thiêng hơn là lầm lạc. Vì Phật là Phật chung, cảnh là cảnh riêng. Đã đến với chùa thì không phân biệt to nhỏ sang hèn. Cửa Phật chung bốn biển một nhà, Nam nữ quý tiện hiền ngu bình đẳng. Cho nên nói việc đến chùa to để cầu được nhiều hơn, xin được nhiều hơn là chưa đúng với lời đức Phật dạy.

0 comments:

Đăng nhận xét